TÍNH PHI NGHĨA CỦA CHIẾN TRANH

I. TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ
Chuyện chính trị hay chính “em” lâu nay vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi của cánh mày râu. Ngồi trà đá vỉa hè bàn chuyện tầm cỡ thế giới!!! và rồi ngày nay nhờ có Internet, các bà, các chị cũng nhận được rất nhiều tin tức trên mạng xã hội và cũng tham gia và cuộc bàn luận sôi nổi này.
Nói về chính trị thì ngạn ngữ phương Tây có nói: Khi đến ăn cơm khách ở nơi nào đó thì nên tránh hai đề tài: Chính Trị hoặc Tôn Giáo để tránh gây bất hòa. Như vậy, rõ ràng là quan điểm của chúng ta về chính trị rất rất khác nhau. Một ví dụ điển hình là tại các cuộc bầu cử tại các nước phương Tây, đảng này nói xấu, bôi nhọ đảng kia, người ủng hộ đảng này choảng người ủng hộ đảng kia chảy máu đầu.
Tắt một lời, chính trị là đề tài nhạy cảm. Khi đối thoại cần có thái độ rộng mở để đón nhận những khác biệt về lối suy nghĩ hay quan điểm. Vì thực ra để hiểu về chính trị không đơn giản như 1 + 1 = 2, mà nó là một dây mơ chằng chịt các mưu toan, đấu đá, kế sách, thủ đoạn,… Vì vậy phương tây gọi nó là: Political Game Hay dịch thoáng chút là : ĐẤU TRƯỜNG VƯƠNG QUYỀN, ĐẤU TRƯỜNG HAY TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ.
II. TẠI SAO NGA LẠI CÓ THỂ TẤN CÔNG UKRAINE
Hồi xưa mình hay thắc mắc tại sao Phát-xít Đức lại có thể dấy lên một cuộc diệt chủng hơn 6 triệu người Do Thái (hơn 1/3 Dân tộc này). Tại sao những binh sĩ và người dân Đức lại có thể ủng hộ và ra tay độc ác như vậy trên 6 triệu mạng người? Câu trả lời, có lẽ vì Hitler đã có một lý thuyết tuyệt vời để làm cho người Đức tin rằng họ đang hành động đúng, họ đang ra tay làm việc nghĩa để bảo vệ dân tộc mình.
Trở lại với câu chuyện của Nga, lý thuyết của Nga đưa ra để tấn công Ukraine?
Câu trả lời không hề đơn giản, trước hết phải hiểu đôi chút về lịch sử từ thời Trung cổ một đại cường quốc tiền thân của Nga và Ukraine (Xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Ukraina#L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD) . “Trong thế kỷ thứ IX, đa phần Ukraina hiện nay là nơi sinh sống của người Rus’, họ lập ra Nước Rus Kiev. Nước Rus Kiev bao gồm hầu như toàn bộ lãnh thổ Ukraina, Belarus hiện đại với một phần lớn lãnh thổ của nó nằm trong lãnh thổ nước Nga hiện nay. Trong thế kỷ thứ X và XI, nó trở thành nước lớn nhất và mạnh nhất ở châu Âu.[6] Trong những thế kỷ tiếp sau, nó đặt nền móng cho tính đồng nhất quốc gia của người Ukraina và người Nga.[7] Kiev, thủ đô của Ukraina hiện đại, đã trở thành thành phố quan trọng nhất của Nga.” … Như vậy, 3 quốc gia Nga, Belarus và Ukraina đều chia sẻ chung một cội nguồn là xứ Rus Kiev của người Rus’. Cho tới nay, 3 quốc gia này tuy độc lập với nhau nhưng có rất nhiều điểm chung về ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo.

Chính vì vậy, Tổng thống Vladimair Putin đã nói: “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng tôi. Đó là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh của chính chúng ta. Đây là những người đồng đội, những người thân yêu nhất của chúng tôi – không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè và những người đã từng phục vụ cùng nhau, mà còn là những người thân, những người gắn bó máu thịt, gắn bó gia đình.”
Ông còn lên tiếng chỉ trích: “Tôi có thể nói thêm rằng Kiev đã cố gắng sử dụng đối thoại với Nga như một con bài mặc cả trong quan hệ với phương Tây, sử dụng mối đe dọa có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga để tống tiền phương Tây nhằm đảm bảo các ưu đãi bằng cách tuyên bố rằng nếu không Nga sẽ có ảnh hưởng lớn hơn ở Ukraine.” (xem http://vietnamthoiluan.com/88421/tong-thong-putin-noi-ve-su-thong-nhat-lich-su-cua-nguoi-nga-va-nguoi-ukraine/)
Như vậy, lý do đầu tiên của Nga là nhân danh sự thống nhất lịch sử của Nga và bảo vệ những người ở Ukraine đứng về phía Nga.
Thứ đến, có một điều cần thiết cần phải hiểu đôi chút về tổ chức NATO (xem https://www.nato.int/nato-welcome/index.html). Rõ ràng trong tổ chức này không hề có Nga hay Trung Quốc. Và cầm đầu NATO đương nhiên là anh Mỹ kêu gọi đồng minh để xây dựng các loại căn cứ chung quanh Nga và Trung Quốc. Và Ukraine chính là nước hàng xóm với Nga, cũng là một nước muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của Nga để thân phương Tây? Đây chính là vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm.
Nga hoàn toàn không muốn Ukraine theo Mỹ, vì như vậy chẳng khác nào để thằng hàng xóm theo giặc dí súng vào đầu mình. Trước khi bắt đầu tấn công, Nga đã quyến rũ Ukraine bằng nhiều hình thức.
Khi hay tin Ukraine, cô vợ cũ của mình có nguy cơ ngả sang EU, Nga đã đưa ra một lời mời khó có thể từ chối: gói cứu trợ 15 tỉ Usd (xem https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Thay-gi-tu-goi-cuu-tro-15-ti-USD-cua-Nga-danh-cho-Ukraina-i308288/)
Tuy nhiên việc nhận gói cứu trợ đó và chia tay với EU đã làm tình hình chính trị trong nước của Ukraine loạn như cào cào, buộc tổng thống đương nhiệm Yanukovych phải chạy trốn. Trước tình hình đó, Nga phải tính chuyện lấy lại Crimea. Đây là một món quà của Nga tặng cho Ukraine quản lý thời kỳ ở trong Liên Xô. Đây cũng là nơi có rất nhiều người nói tiếng Nga và có cảng Sevastopol của Ukraine vì đó là cảng trọng yếu để Nga có thể tiến ra đại dương bắt đầu từ biển đen (Black Sea).
Tại sao cảng Sevastopol là sống còn vì đó là cảng nước ấm sẽ không bị đóng băng trong mùa đông. Còn các cảng khác của Nga thì mỗi năm đóng băng đến 4-5 tháng không thể di chuyển được. Điều này cũng đồng nghĩa là dòng chảy thương mại bị ngưng trệ và các hạm đội của Nga không thể hoạt động. Việc chiếm Crimean mang lại khả năng vận chuyển đường thủy với ưu điểm là khả năng vận tải cực lớn, mỗi tàu khủng có thể trở 18.000 Containers trong một chuyến, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với đường bộ hay hàng không.
Vậy việc giữ Crimea với Nga là cực kỳ quan trọng nhưng với NATO thì nó lại không phải vấn đề lớn. Vì cảng Sevastopol chỉ loanh quanh ở Biển Đen mà thôi, muốn ra đại dương thì phải qua eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ, mà Thổ Nhĩ Kỳ lại là thành viên của NATO.

Năm 2014, Nga đưa quân vào Crimea. Các nước trên thế giới ra lệnh trừng phạt Nga bằng cách đánh vào việc dừng nhập khẩu khí đốt của Nga để muốn làm kiệt quệ nền kinh tế của Nga. Vì dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 30% GDP của nước này. Chính nhờ mạng lưới đường ống dẫn khí đốt mà Nga có tầm ảnh hưởng lớn tại Châu Âu. Thật vậy 1/3 lượng khí đốt ở Châu Âu là do Nga cung cấp. Và một hệ thống đường ống lớn của Nga vào Châu Âu là qua Ukraine. Để Ukraine về phe mình là bảo vệ an ninh đường ống dẫn khí và vũ khí hóa năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, Nga trừng phạt Ukraine bằng cách không trợ cấp giá khí đốt khiến Ukraine phải mua với giá ngang thị trường. Mỗi năm nhờ đường dẫn khí đốt từ Nga đến Đức Phải đi qua Ukraine nên Ukraine sẽ được 720 triệu dollars vào túi. Tức mình Nga đã xây dựng North Stream 1 – đường ống dẫn khí trị giá 6 tỉ đô qua biển Baltic đi thẳng vào Đức. Năm 2015 mở thêm một ống nữa là North Stream 2. Chiêu bài của Nga lấy Đức làm lá chắn trước Mỹ. Nếu mày nhảy vào đánh tao thì thằng em mày là Đức sẽ chết rét!!!

Nga không sợ cấm vận vì đã có bạn Trung Quốc để giao dịch hàng hóa và kinh tế. Không gì phải sợ!
Lý do Nga có thế mạnh vì một hệ thống lớn đồng minh của Mỹ ở Châu Âu sẽ chết rét vì không có khí đốt từ Nga. Thứ đến, việc Nga và Trung Quốc bắt tay nhau sẽ không dùng Đôla Mỹ để thanh toán nữa thì đồng tiền Mỹ sẽ mất vị thế cũng đồng nghĩa quyền lực của Mỹ sẽ không còn trên thế giới.
Lý do thứ đến để Nga có thể tấn công là để bảo vệ chính mình khỏi một sự phản bội của cô vợ cũ là Ukraine trước sự thân Phương Tây, nhất là Mỹ và đó có thể là cú đánh mạnh vào mạnh sườn chí tử cho Nga từ bên hàng xóm của mình gồm 4 quốc gia NATO ở Biển Đen qua Ukraine.
II. UKRAINE CÓ THỰC SỰ BỊ OAN?
Có lẽ sẽ không có cuộc tấn công vừa qua nếu Ukraine ở thế trung lập không ngả theo bên nào! Nhưng Udkraine như cô gái đẹp, mình đẹp mình có quyền. Chơi trò bắt cá hai tay, nhận việc trợ và tiền từ hai bên, xả láng tiêu và tham nhũng bét be. Chính vì vậy nên kinh tế của Ukraine vẫn có vẻ ổn mặc dù tham nhũng thối nát.
Nhưng việc Ukraine có ý định ngả theo EU và thoát Nga (xem https://vtv.vn/quoc-te/ukraine-se-som-ky-hiep-dinh-hop-tac-voi-eu-113353.htm) là khởi đầu cho rắc rối.
Nhưng sau vụ đường ống khí đốt North Stream 1 và 2, Ukraine mất chỗ dựa vào NATO vì không ai muốn dây dưa vào Nga, cũng mất nguồn kinh tế mà việc thuê đường ống khí đốt mà Nga đem lại, rồi cũng phải chịu áp lực khi mua khí đốt với giá trị trường.
Xét về tình hình chính trị và xã hội của Ukraine, trong một phân tích năm 2020 của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, một tổ chức giám sát chống tham nhũng đã xếp Ukraine ở vị trí 117 trên 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng thấp hơn tất cả các nước trong NATO. Chính vì vậy, việc Ukraine xin gia nhập NATO trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ukraine ở tư thế đi cũng không được mà về cũng không xong. Việc tự xây dựng và củng cố lực lượng trong nước cũng khó khăn vì Crimea đã mất cảng biển Sevastopol và một vùng giàu tài nguyên là Donbass cũng ly khai. Đã hơn 14000 người đã chết kể từ năm 2014 do sự xung đột nhằm ly khai với Ukraine. Và vùng này nằm sát Nga nên được hậu thuẫn nhiệt tình bởi Nga.
Ngày 21/02/2022: Putin ký sắc lệnh ‘công nhận độc lập’ hai vùng ly khai ở Donbass. Đỉnh điểm này mở ra cho Nga một lý do gửi lực lượng quân sự một cách công khai vào Donbass. Nga làm vậy như một đồng minh để bảo vệ khu vực này. Điều này như một mũi tên trúng 2 đích vì vừa đưa lực lượng quân sự được vào Ukraine và cũng chặn đứng được việc gia nhập NATO của Ukraine.

III. TÍNH PHI NGHĨA CỦA CHIẾN TRANH
Ở trên là những lý do mang tính lịch sử, động cơ sâu xa nằm sau cuộc tấn công, và tội của Ukraine khi theo trai đẹp mà định tâm phản bội người chồng quyền lực và tàn bạo của mình là Nga.
Điều gì rút ra từ cuộc chiến này:
- MỤC ĐÍCH KHÔNG BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN.
Một nguyên tắc tối quan trọng của luân lý là mục đích có vẻ tốt nhưng phương tiện hay cách làm sai thì không được phép.
Vi dụ: Anh không thể nhân danh bảo vệ gia đình mà đi giết người hàng xóm đã chửi rủa gia đình anh được. Nếu ai cũng làm như vậy thì thử hỏi còn có an ninh và sống bình an được hay không?
Trường hợp của Nga cũng không ngoại lệ. Việc lấy danh nghĩa là để bảo vệ những người trong khu ly khai mà đem quân hay thả bom vào rất nhiều khu dân cư và giết đi hàng trăm dân thường vô tội. - COI TRỌNG QUYỀN LỰC VÀ LỢI ÍCH KINH TẾ HƠN MẠNG SỐNG CON NGƯỜI
Nhìn một cách khách quan thì điều gì nằm dưới tất cả những mưu toan chính trị trên của hai nước hay của hai thế lực Nga và NATO. Đó là quyền lực, là sức ảnh hưởng và cái đó cuối cùng đem lại gì: TIỀN, lợi ích KINH TẾ. Đó là mưu toan chính trị bẩn thỉu của những nhà lãnh đạo, nhưng đẩy những người lính, những người dân vô tội của 2 bên lao vào sự giết chóc lẫn nhau, trong khi đó thì mấy nhà lãnh đạo là những kẻ chủ mưu vẫn sống trong dinh thự xa hoa với điều hòa mát lạnh và yến tiệc. Những người dân vô tội hứng chịu cảnh bom đạn, tan cửa nát nhà, thiếu thốn nơi ở an toàn và điều kiện sống tối thiểu và thậm chí là mất mạng vì những mưu toan chính trị nhơ bẩn. Không chỉ vậy, với hiệu ứng cánh bướm, cả thế giới cũng bị ảnh hưởng với sự tăng vọt của giá xăng dầu. Điều này làm những người nghèo đã khổ nay lại càng khổ hơn để kiếm sống, kiếm bữa ăn qua ngày. Đó là tội ác mang tính toàn cầu. - SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỀN THÔNG
Có lẽ cuộc chiến của Nga và Ukraine sẽ không rơi vào căng thẳng và xảy ra bạo lực bằng việc xâm lược với vũ trang và bom đạn nếu không có tác động kinh khủng của truyền thông. Truyền thông thế giới như vớ được một đề tài HOT và ăn khách khi một cuộc chiến nổ ra có sự góp mặt của cường quốc là Nga và một nước đang khát khao gia nhập phe đối lập của Nga là NATO do Mỹ cầm đầu.
Việc lắng nghe tin tức thế giới hay tin trong nước để biết tình hình diễn ra là bổ ích cho kiến thức của mình nhưng cũng cần phải chọn lọc và phân định những thông tin sẽ được đưa vào đầu mình và tin tưởng sống chết với nó.
Mặt trái của truyền thông là sự khai thác những thông tin giật gân để thu hút khán giả. Tiếc thay những thông tin giật gân có đến 85% là tiêu cực, là hình ảnh u ám, đáng sợ về cuộc sống về nhân tính. Nếu mình không cân bằng lại bằng những giá trị tích cực lạc quan thì mình sẽ trở nên một kẻ nguyền rủa bóng đêm và thấy cuộc sống này đáng thất vọng biết bao. - CÓ MỘT NIỀM HY VỌNG
Đây là hình ảnh trái đất khi nhìn từ ngoài không gian:

Đó là hình ảnh trái đất kể cả khi nó có chiến tranh, cướp bóc, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, thù hận, ghen ghét, đố kị… Nó vẫn đẹp như một hòn ngọc cẩm thạch. Xét trong một tổng thể lớn hơn thì tất cả vẫn đang trong sự kiểm soát và quan phòng của Thiên Chúa.
Với tư cách là một người có đức tin việc cầu nguyện xin bình an cho thế giới là việc cần phải làm hằng ngày không chỉ cho chiến tranh, mà cho cả những nơi dịch bệnh có hàng ngàn người chết mỗi ngày con số cao hơn rất nhiều so với cuộc chiến của Nga và Ukraine, nhưng do ảnh hưởng của truyền thông làm cho con người giả hình rồi hét toáng lên về chiến tranh thế này thế kia. Hay những vùng bị ảnh hưởng thiên tai có hàng chục ngàn người phải bỏ hết nhà cửa gia sản trong dòng nước lũ nghẹn ngào trong nước mắt. Hay hàng trăm trẻ em ở Châu Phi chết mỗi ngày vì suy dinh dưỡng không có gì để ăn. Sao không báo đài nào lên tiếng cho các em?
Thay lời kết, xin dùng Thánh vịnh 31 để nói lên niềm hy vọng và tin tưởng vào thiên ý nhiệm mầu của Chúa trên toàn thể nhân loại và thế giới này:

1 Phần nhạc trưởng. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
2 Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA,
xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.
Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con,
3 ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.
4 Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
5 Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi,
vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài.
6 Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,
Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín.
7 Ngài ghét bọn thờ thần hư ảo,
phần con đây, lạy CHÚA, chỉ tin tưởng nơi Ngài.
8 Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở,
vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.
Con lâm cảnh ngặt nghèo, Ngài lo lắng chăm nom,
9 chẳng trao nộp thân này vào tay thù địch,
nhưng cho con rộng bước thênh thang.
10 Xin xót thương, lạy CHÚA,
bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo,
quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi,
hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ.
11 Đời tiêu hao trong nỗi u buồn
và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than.
Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng, gân cốt con rời rã.
12 Con đã nên trò cười cho thù địch
và cho cả hàng xóm láng giềng.
Bạn bè thân thích đều kinh hãi,
thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa.
13 Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ,
con hoá thành đồ hư vất bỏ.
14 Con nghe thấy những lời độc địa của bao người,
nhìn chung quanh : toàn những điều khủng khiếp.
Chúng toa rập chống con, và mưu toan lấy mạng.
15 Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy CHÚA,
dám thưa rằng : Ngài là Thượng Đế của con.
16 Số phận con ở trong tay ngài.
Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ,
khỏi người bách hại con.
17 Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.
18 Lạy CHÚA, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài,
Nhưng ước gì ác nhân phải nhục nhã
mà ngậm miệng sa xuống âm ty.
19 Cho phường điêu ngoa phải câm họng ;
chúng kiêu ngạo khinh đời, buông những lời hỗn xược
chống lại người công chính.
20 Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,
Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,
và thi thố trước mặt phàm nhân
cho ai tìm đến Ngài nương náu.
21 Bên Thánh Nhan, Ngài giấu họ kỹ càng
khỏi người đời mưu hại.
Ngài che chở họ trong lều thánh, xa tầm lưỡi thị phi.
22 Chúc tụng CHÚA đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con
trong thành trì vững chắc.
23 Vậy mà con đã nói vì hốt hoảng :
“Con bị đuổi đi khuất mắt Chúa rồi !”
Thế nhưng Ngài đã nghe tiếng nài van
trong ngày con kêu cứu.
24 Hết mọi người hiếu trung với Chúa,
hãy yêu mến CHÚA đi !
CHÚA giữ gìn những ai thành tín
nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng.
25 Hỡi mọi người cậy trông vào CHÚA,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào !
butchivuive
