Category Archives: LỄ ĐẶC BIỆT

Lễ Thánh Giuse

19/03/2023: GIUSE, VỊ THÁNH CỦA NHỮNG GIẤC MƠ


Trong Tin Mừng theo Thánh Matthew, 4 lần sứ thần gặp Thánh Giuse và cả 4 lần Ngài đều gặp trong mơ. Nghĩa là Ngài ngủ…

Ngày 16/01/2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kể về bức tượng Thánh Giuse ngủ như sau:

“Tôi rất sùng kính thánh Giuse bởi vì Ngài là con người mạnh mẽ trong thinh lặng. Trên bàn làm việc của tôi có một bức tượng Thánh Giuse đang ngủ. Ngay cả lúc Ngài ngủ, Ngài vẫn chăm lo cho Hội Thánh. Khi tôi gặp một vấn đề khó khăn, tôi viết nó vào một mảnh giấy và đặt dưới bức tượng. Và thế là Thánh Giuse có thể mơ về nó. Hay nói cách khác tôi xin Thánh Giuse: xin giúp con giải gỡ vấn đề này…”

Thánh vịnh 127 viết rằng:

“Ví như CHÚA chẳng xây nhà,

thợ nề vất vả cũng là uổng công.

Thành kia mà CHÚA không phòng giữ,

uổng công người trấn thủ canh đêm.

2 Bạn có thức khuya hay dậy sớm,

khó nhọc làm ăn cũng hoài công.

Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ,

Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.”

(Tv 127:1-2)

Thánh vịnh nhắc nhở ta một điều là mọi sự trong chương trình và kế hoạch của Chúa. Khi ta sống phó thác và tin tưởng Chúa như em bé ngủ trong lòng mẹ thì Ngài luôn chăm sóc và yêu thương ta, cho dù ta có ngủ.

Ngày lễ hôm nay không kêu ta phải trở thành kẻ mơ giữa ban ngày, sống trong mộng mơ hão huyền, nhưng là một sự tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Chúa. Thêm vào đó, Thánh Giuse dạy ta bài học của việc phân định ơn Chúa và lập tức hành động.

Thánh Giuse không bàn lùi, không nhát sợ. Khi Chúa nói, thì Ngài nghe và thực hiện ngay lập tức. Chúng ta cần áp dụng việc này cho những quyết định khó khăn của đời sống.

Ta đã cầu nguyện phó thác và xin ơn khôn ngoan chưa?

Ta có phân định dựa trên giá trị của Tin Mừng, của luân lí, của lương tâm chưa? Ta đã tham khảo những con người khôn ngoan và sống đúng Tin Mừng chưa?

Sau khi đã thấy mình sẽ có thể chấp nhận những hậu quả có thể xảy đến thì bắt tay thực hiện với sự phó thác kết quả trong Ý Chúa, chứ không phải ý riêng của Con.

Nguyện chúc cả nhà ngày lễ Thánh Cả an lành thánh đức.

Yeuthuong,

butchivuive

Dịch: SỰ BẤT LỰC CỦA THIÊN CHÚA

24/12/2022: SỰ “BẤT LỰC” CỦA CHÚA
GOD’S POWERLESSNESS


“Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel. Điều kì diệu nhất của việc Chúa làm người chính là sự thể hiện khát khao của Thiên Chúa muốn được tình yêu của con người.

Bằng việc trở nên một em bé yếu ớt, hoàn toàn lệ thuộc vào sự chăm sóc của con người, Thiên Chúa muốn bỏ đi KHOẢNG CÁCH giữa con người và Thiên Chúa. Ai sẽ sợ hãi một đứa bé sơ sinh nhỏ bé cần được chăm sóc, bú mớm, dạy dỗ và hướng dẫn?

Chúng ta thường nói về một Thiên Chúa đầy sức mạnh, quyền phép mà chúng ta vẫn phụ thuộc hoàn toàn. Nhưng trong ngày lễ Giáng Sinh, khi nhìn vào hang đá, ta được mời gọi chiêm ngắm về sự “bất lực” và “dễ tổn thương” của Hài Nhi Giêsu phải dựa vào sự chăm sóc của con người! Làm sao chúng ta có thể khiếp sợ hay cảm thấy xa vời trước một Thiên Chúa muốn Ở CÙNG CON NGƯỜI (God-with-us) như vậy? Và Thiên Chúa ấy đang muốn “CHÚNG TA Ở CÙNG THIÊN CHÚA” (Us-with-God).

Bạn đã bắt đầu Ở CÙNG CHÚA chưa?
Ước mong tình yêu của Chúa ở cùng chúng ta và gia đình trong mùa Giáng Sinh này và chúng ta cũng được biến đổi để thực sự ĐÓN CHÚA VÀO NHÀ MÌNH và Ở CÙNG THIÊN CHÚA!

Yeuthuong,

butchivuive lược dịch từ “Bread for the Journey” của Henri Nouwen.

Bức hình thể hiện khung cảnh Giáng Sinh trong thời đại hôm nay. Chúng ta có thấy Chúa vẫn đang bị khước từ bởi cong người hôm nay không? Chúng ta có sẵn lòng mở lòng ra đón Người vào nhà?

Suy tư: LỄ THÁNH TÂM 2022

NGƯỜI GÌ MÀ ĐỂ TIM RA NGOÀI?

butchivuive

Đã bao giờ ta tự hỏi, tại sao bức hình Thánh Tâm được vẽ là trái tim được lộ ra ngoài, hay được cầm trên tay? Phải chăng là để cho dễ nhìn hay điều đó có thể mang một ý nghĩa khác?

Câu chuyện có thật về một vị quan của Nhật Bản đã nói lên những suy tư của mình khi chiêm ngắm bức hình Thánh Tâm phần nào trả lời cho câu hỏi trên.

Năm 1597, lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công Giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh: người gì mà để trái tim ra ngoài !

Quan đại thần Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác; nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ : “đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”. Từ đó quan đại thần Tsukamoto đặt bức ảnh Trái Tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn.

Một hôm, người bạn tên Osaki đến chơi, hỏi :

– Bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?

Quan đại thần Tsukamoto trả lời :

– Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời ; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là chính đạo.

Ông Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục.

(Sưu tầm từ Internet)

Suy tư:

Xét theo quan niệm của Á Châu, Trái Tim hay còn được gọi là Thâm Tâm, nơi của thất tình lục dục. Cụ thể thất tình trong Phật giáo là trạng thái tâm lý liên quan đến tình cảm, cảm xúc. Bao gồm Hỷ – mừng, Nộ – giận, Ai – buồn, Lạc – vui, Ái – thương, Ố – ghét, Dục – muốn.

Trong Dục chia thành 2 khía cạnh khác nhau, đó là những ham muốn về thể xác với người khác hay sự ham muốn với một đối tượng bên ngoài ví dụ: sắc dục, oai nghi dục, ngôn ngữ âm thanh dục, tướng mạo dục, nhãn dục, thân dục, ý dục,…

Như vậy, trái tim không luôn luôn đi kèm với điều tốt hay thiện, mà lại có thể chất chứa những vùng u tối của tâm địa con người. Trong cuộc sống, con người có xu hướng giấu đi thâm tâm của mình không hé lộ cho người khác vì vẫn còn những mảng đen xấu xí: có thể đó là ích kỉ, nhỏ nhen, đố kị, oán hận, ghét ghen, tự ti, mặc cảm và cả tội lỗi.

Khi ai đó dám đưa trái tim của họ ra, chứng tỏ họ là con người chân thật, trong sáng, bao dung và đầy yêu thương cho đi. Họ không giữ lại cho riêng mình, họ vượt qua được cái tôi ích kỉ, nhỏ nhen.

Tiếp cận hình ảnh về trái tim Chúa dưới một góc độ rất gần, ta thấy Chúa như đã bước vào vùng bí ẩn nhất của con người: Thâm Tâm. Để từ đó, Ngài soi sáng những góc tối, góc khuất của trái tim con người bằng ngọn lửa của tình yêu và tha thứ. Vậy, Trái Tim của Chúa nên nguồn êm ái, nơi trú ẩn cho những trái tim đau khổ, khắc khoải, âu lo và cả tội lỗi.

Suy tư về ngày lễ Thánh Tâm Chúa, chúng ta cùng nhìn lại Thâm Tâm của mình, xin Chúa đến với tình yêu trào tràn từ Trái Tim Ngài uốn nắn trái tim của ta nên giống Ngài.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng chúng con nên giống Thánh Tâm Chúa.