Có lẽ đây là cảm xúc mà những người sống nơi đất khách quê người bắt đầu cảm nhận ngày qua ngày. Điều mà ngôn ngữ mẹ đẻ mang lại như dòng nước mát giữa những ngày hè oi bức; Như sau một ngày chịu đựng nắng nóng được nhảy tùm xuống dòng sông quê hương; Và như được ăn lại món Bún Đậu Mắm Tôm sau cả vài năm trời chỉ sống với bơ, sữa, bánh mỳ và khoai tây! 

Cảm giác được thỏa cơn khát, được ngụp lặn trong dòng nước dịu mát của con sông và cái cảm giác được cảm nhận cái vị mắm tôm hòa lẫn với miếng đậu hũ nóng thật là tuyệt vời mà từ ngữ không thể diễn tả hết cái cảm giác đó.

Khi được nói ngôn ngữ mẹ đẻ là lúc trái tim được mở ra rộng hơn để lắng nghe, để cảm nhận, để cảm giác được thực sự hiểu. 

Ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ nhưng sâu xa hơn vậy là cả một truyền thống văn hóa dân tộc được kết tinh trong đó. Nó mang đặc sắc của lịch sử, vùng miền, của lối sống, lối nghĩ, của những thao thức, và bao hàm cả tình cảm vui buồn sướng khổ của cả dân tộc. Có lẽ vì vậy, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong bài Tình Ca rằng:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”

Có lẽ, những lời ru êm ái của những người mẹ cũng quan trọng như những dòng sữa cho sự phát triển của một đứa trẻ vậy. Tiếc là theo thời gian, những người mẹ trẻ không còn thuộc nhiều điệu ru con nữa. Mong rằng điều này sẽ được những mẹ bỉm sữa để ý và áp dụng.

Một người mẹ trẻ trong quá trình học làm Mẹ dần nhận ra cần phải lắng nghe con mình và học mỗi ngày. Với tình yêu, mẹ và con bắt đầu trò chuyện. Con học làm con và mẹ học làm mẹ mỗi ngày. Qua ngôn ngữ, hai bên hiểu nhau hơn, khám phá ra chính mình hơn đồng thời cũng khắc phục và canh tân theo thời gian.  

Một người mẹ trong xã hội có rất nhiều thay đổi hiện nay, có lẽ cần lắng nghe con mình nhiều hơn, để hiểu được trái tim của con mình, để chạm được những nỗi đau, để chữa lành, để tha thứ, khuyến khích và cùng nhau mạnh mẽ. 

Điều này không chỉ đúng trong bối cảnh gia đình, nó còn có thể áp dụng cho việc xây dựng các tương quan. 

Tông huấn Evangelii Gaudium – The Joy of the Gospel, đã nhấn mạnh:

“Giáo Hội như một người mẹ, và tương tự như người mẹ nói chuyện với con cái mình, Giáo Hội cũng cần giảng dạy trong tương quan đó…lắng nghe những mối bận tâm của con cái và học từ đó… lắng nghe đời sống đức tin của dân Thiên Chúa và tìm cách giảng dạy phù hợp với họ tại tiệc Thánh Thể…. Cũng giống như mỗi người chúng ta muốn lắng nghe ngôn ngữ mẹ đẻ thì chúng ta muốn lắng nghe trong văn hóa và ngôn ngữ đó, và con tim của ta dễ mở ra hơn để lắng nghe. Ngôn ngữ này là âm nhạc mà gợi lên sự khuyến khích, sức mạnh cũng như lòng nhiệt thành.” (Evangelii Gaudium #139)

Chúc cả nhà ngày an lành!

Yeuthuong,

Butchivuive