Sẽ thế nào khi ta chỉ cho đi mà không nhận lại

Và cũng sẽ thế nào khi ta chỉ mong mình sẽ nhận được mãi mà không cho đi.

Nếu cho là một nghệ thuật, thì nhận cũng cần lắm những nghệ nhân.

Vậy nên, nhận và cho có thể gọi là hai mặt của một đồng xu.

Thật sự là không ai quá nghèo để không có gì để cho, và cũng không ai quá giàu đến nỗi không cần nhận gì của ai.

Ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể cho đi một lời nói tử tế hay một nụ cười thân thiện, cùng với một tấm lòng chất phác chân thành; và song song với đó họ cũng mở lòng ra để nhận lại một sự đáp trả trong yêu thương và tôn trọng.

Cùng nhìn vào những tỷ phú, họ cũng được cho là không có gì để phải nhận; nhưng thực sự trong lòng họ cũng khát khao được thấu hiểu, được ai đó lắng nghe những tâm sự của một trái tim còn chất chứa nhiều tổn thương, và những đổ vỡ trong hành trình bước vào một lối sống thượng lưu, mà vẫn luôn luôn tiềm ẩn những bất an, cô đơn và cả sợ hãi. 

Trong tương quan cho và nhận, phẩm giá của con người ngày càng được bộc lộ. 

Cả cho và nhận đều là những nghệ thuật vô cùng tế nhị. 

Trong mọi mối tương quan bền chặt lâu dài có lẽ đều dựa trên nghệ thuật của việc cho và nhận. Ông bà ta có câu: “Của cho không bằng cách cho.” Chính con tim chân thành và thật thà khiến cho người cho sẽ rất ý nhị trong từng hành động sẻ chia của mình để người nhận không cảm thấy tủi thân, xấu hổ hay mất phẩm giá. 

Và có thể để cân bằng với nghệ thuật cho đi, người nhận cũng có thể tâm niệm rằng: “của nhận không bằng thái độ tri ân.” Bởi vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Nhận được sự giúp đỡ đúng lúc, đúng thời điểm có thể cứu một hay nhiều mạng sống, cũng như thay đổi nhiều mảnh đời đang ngay mép vực thẳm. Vì vậy, nhận với thái độ tri ân là căn bản của việc thành nhân. 

Tóm lại, nhận và cho đã trở nên nguyên lý hoạt động của đời sống.
Nhưng một bước sâu xa hơn trong việc suy tư về cho – nhận đó là: Nhận và cho trở nên phẩm giá quan trọng của những tâm hồn xây dựng hòa bình, của các nền văn hóa, các tín ngưỡng, tôn giáo, các cộng đoàn hay cả trong quy mô các quốc gia. 

 Để kết, cùng suy tư về cái nhìn của Henri Nouwen với tương quan cho và nhận: 

“Để duy trì một tầm nhìn thực sự về hòa bình đòi hỏi một tương quan liên đới liên tục giữa việc cho đi và nhận lại. 

Đừng bao giờ CHO bất cứ điều gì mà không hỏi chính mình về điều mình đang NHẬN được từ người mình sẽ CHO;

Và cũng đừng bao giờ NHẬN điều gì mà không hỏi chính mình về điều mình đang thực sự CHO người mình đang NHẬN.”

Yeuthuong,

Butchivuive