Quy luật 70% được thiền sư Ajahn Brahm rút ra trước khi sư đi tu.
Hồi đó Ajahn là một giáo viên dạy học tại trường cấp ba bên Anh.
Phải nói là dạy dỗ tuổi dậy thì gây căng thẳng cho bất cứ ai cũng muốn rời bỏ thế giới này mà đi tu làm một nhà sư!
Khi Ajahn ra bài kiểm tra đầu tiên cho học sinh của mình trong môn Toán, ông đã hỏi ý kiến của một giáo viên có kinh nghiệm để tham khảo. Vị giáo viên kinh nghiệm kia nói với ông là đừng soạn đề quá khó, bởi vì điểm trung bình chỉ khoảng 30-40% sẽ khiến học trò mất tinh thần. Bọn trẻ sẽ nghĩ rằng môn Toán là quá khó và sẽ dễ bỏ cuộc. Nhưng cũng đừng ra đề quá dễ và điểm trung bình là 90-100% sẽ làm cho bài kiểm tra không nói lên được điều gì.

Vậy, vị giáo viên kia khuyên Ajahn rằng hãy ra đề và nhắm tới điểm trung bình là 70%. Với kết quả này, học sinh sẽ được khuyến khích, tin là chúng có khả năng học Toán và 30% còn lại của bài kiểm tra là nơi bọn trẻ sẽ phạm sai lầm, và lúc đó giáo viên sẽ là người chỉ ra cho chúng những cái bẫy, giải thích những chỗ khó và sẽ dạy thêm vào những bài học sắp tới.
Bài kiểm tra có 70% là để khuyến khích tinh thần và 30% là để học hỏi thêm.
Rồi sau đó, Ajahn nhận thấy rằng nguyên lý này cũng áp dụng cho cuộc đời.
Nếu điểm trung bình của cuộc đời ta chỉ là 30-40% thì khi đó ta sẽ thấy mất tinh thần, thậm chí là căng thẳng, chán nản, trầm cảm và bỏ cuộc.
Nhưng nếu cuộc đời chúng ta tự thấy điểm trung bình luôn là 90-100%, chúng ta sẽ chẳng có gì để học hỏi thêm và sinh tự mãn, kiêu ngạo.
Nhưng nếu điểm trung bình của cuộc đời nằm trong con số kỳ diệu 70% thì ta sẽ có đủ thành công để tiếp tục những động lực phấn đấu và đủ thất bại để học và lớn lên như một con người đúng nghĩa.

Yeuthuong,
Butchivuive lược dịch từ “The 70% Rule” Trong cuốn sách: “God? Bad? Who knows?” của Thiền sư Ajahn Brahm.