Ngày hôm nay được gọi là Good Friday.
Một ngày thứ 6 đặc biệt và tốt lành. Điều này gây thắc mắc cho nhiều người là tại sao ngày Chúa chết lại được gọi là Good (Tốt lành)?
Đương nhiên biến cố Chúa chịu chết để cứu nhân loại là một biến cố trong mắt nhiều người mang màu khổ lụy và đau thương, thậm chí là bi thảm cho một cái chết với biết bao khổ đau trên thân xác của một vị Thiên Chúa làm người.
Nhưng Thứ 6 Tuần Thánh hay Good Friday được gọi là Tốt Lành là bởi vì trong ngày đặc biệt này: Cao trào là cái chết của Con Thiên Chúa chứng minh tình yêu của Ngài cho con người. Tại sao vậy?
Thiên Chúa đã dựng nên trời đất này chỉ với lời nói. Ngài chỉ cần nói mà mọi sự sẽ được thực hiện. Thiên Chúa cũng hoàn toàn có thể phán một lời để cứu độ thế gian mà không cần phải xuống thế làm người. Và rồi, với tư cách là Thiên Chúa làm người, Ngài cũng không cần phải chọn cái chết đau đớn và ghê sợ như vậy để cứu con người. Ngài hoàn toàn có thể chọn cách vẻ vang và hùng mạnh như các Vua Chúa trong ngày xưng vương.
Trở lại với những vần thơ của Hàn Mặc Tử:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo;
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.”
Hãy xem Thiên Chúa giải nghĩa yêu. Hãy xem Thiên Chúa chấp nhận khổ giá vì yêu. Trong cái chết, trong cái đau khổ, bi đát nhất của một thân phận con người. Ngài xuống đáy của đau khổ, Ngài chạm tới cái tận cùng của phận người, để rồi chính từ cái điểm cuối cùng tưởng chừng như bi đát nhất đó. Chúa nâng cả loài người lên, Chúa cứu độ tất cả nhân loại.
Đó là ý nghĩa của từ Tốt lành (Good) trong ngày thứ 6 hôm nay.
Cùng dừng lại đôi chút.
Nhìn vào bức tranh của họa sĩ Franz Von Stuck trong bảo tàng The Stadel Gallery tại Frankfurt, Germany (Nước Đức). Bức tranh Chúa nằm trong mồ với Đức Mẹ đau khổ đứng bên ôm mặt khóc. Hãy lặng thinh, đặt mình cũng đứng với Đức Mẹ trong khoảnh khắc này. Để mà thấy Chúa đã yêu mình dường nào.
Yeuthuong,
butchivuive
