Tại sao cần phải LẶNG?
Lặng không chỉ có nghĩa là yên lặng.
Nhưng Lặng còn mang nghĩa của Trầm của Suy và của An.
SUY
Bước cần trước hết để bắt đầu làm bạn với thinh lặng là TRẦM.
Trong Trầm có cái lặng thinh của không gian, thời gian và thể lí. Sẽ thật khó đạt tới một trạng thái an tĩnh nếu trước hết không với vào Trầm mặc.
Tuy nhiên, thinh lặng không chỉ dừng lại ở Trầm, nó đòi hỏi ta bước vào một bước sâu hơn. Đó là SUY.
Cùng nhìn vào các tôn giáo lớn trên thế giới.
Phật Giáo, Đức Phật đã ngồi dưới gốc bồ đề, trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, suy nghĩ những chân lí để rồi đạt tới Giác Ngộ.
Kitô Giáo nói chung bao gồm Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo và Chính Thống Giáo hay các tôn giáo đặt nền tảng trên Kinh thánh, cụ thể là Đức Giêsu Kitô, đều nhắc tới biến cố Đức Giêsu sau 30 năm sống ẩn dật, trước khi bắt đầu vào sứ vụ công khai , Ngài đã dành 40 ngày trong hoang mạc để ăn chay, cầu nguyện. Sau đó, trong hành trình đi rao giảng, Ngài luôn luôn dành thời gian trong hoang vắng để cầu nguyện.
Qua đó, có một điều có thể rút ra là trong cô tịch, lặng thinh, con người bắt đầu suy nghĩ tới những điều sâu sắc hơn. Con người bắt đầu đặt vấn đề, rút ra ý nghĩa của cuộc sống, và cao hơn nữa là kết hiệp với Thượng Đế và vạn vật chung quanh mình.

1. SUY VỀ MÌNH
Trong thinh lặng, con người bắt đầu rời xa những ảo ảnh hay những giá trị phù vân mà cuộc đời vẫn hay ca tụng. Đối diện với lòng mình, suy nghĩ về những giá trị mình thực sự có, hay mình thực sự là ai khi không còn những lời tán dương, không còn áo váy đẹp lộng lẫy, không còn những trang sức, phụ kiện đắt tiền, không còn những lớp makeup để che đi những dấu vết thời gian. Có thể nói, đó là sự trần trụi trong suy tư.
Vấn nạn của kiếp nhân sinh trong thinh lặng chất vấn:
TÔI LÀ AI? câu hỏi đơn giản nhưng thật khó trả lời và không bao giờ trả lời cho hết được. Vì tôi không đơn giản chỉ là cái tên với ngày sinh, tôi không đơn giản như một bản CV lí lịch, tôi không chỉ đơn giản là con của bố mẹ tôi, tôi đã để lại dấu ấn trong lòng biết bao người. Tôi đã trải qua biết bao thăng trầm, rồi tôi lại có cả một tương lai mà chính tôi cũng không biết nó sẽ ra sao?
Đây là câu hỏi mà con người sẽ phải suy mãi về nó, cho tới khi có được câu trả lời của riêng mình. TÔI LÀ AI?

2. SUY VỀ CUỘC ĐỜI
Trong suy tư, con người mở ra với những con người khác, môi trường xã hội, và vạn vật chung quanh. Con người sẽ không biết mình là người nếu không sống trong một xã hội loài người. Đã có trường hợp chú bé người sói được nuôi dưỡng bởi đàn sói và kết quả là nó bò, chạy 4 chân, chu và hú lên trong đêm, rồi cắn xé thức ăn như một con sói.
Khả năng đặc biệt của con người là khả năng suy tư phản tỉnh. Con người có thể tách mình khỏi mình để nhìn lại mình và lượng giá phán xét mình như một chủ thể khác. Khả năng đó cũng cho con người có khả năng đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương những người khác và vạn vật.
Chính qua suy tư, con người nhận biết và khám phá thế giới nhưng cũng đồng thời nhận ra rõ hơn mình là ai và có ý nghĩa gì với cuộc đời này.

3. KÊT HIỆP VỚI THƯỢNG ĐẾ
Khi con người bắt đầu bước vào thinh lặng để chiêm ngắm cuộc đời, để tự nhận ra mình là ai và sống có ý nghĩa gì, thì tất cả suy tư cách nào đó dẫn ta tới câu hỏi tận cùng: Có Chúa hay không? Nếu có thì sao? mà không thì sao? Và đâu là hình ảnh Chúa nơi mình hay đâu là hình ảnh Thiên Chúa mà mình muốn thấy nơi các tôn giáo? Các tôn giáo như những con đường cùng hướng về một đích.
Đó là Đấng TUYỆT ĐỐI mà mỗi tôn giáo lại gọi Ngài bằng những tên gọi khác nhau.
Có lẽ đã xa rồi cái thời mà cứ phải khẳng định rồi loại trừ nhau, thậm chí là bước vào trạng thái thù nghịch. Sự tiến bộ và văn minh hiện đại dường như ngày càng làm mờ đi ranh giới giữa các tôn giáo hay sự ngay thẳng nội tại của lương tâm con người. Con người ngày nay tin vào Đấng Tuyệt Đối nhưng lại chần chừ trong việc gắn mình vào một tôn giáo cụ thể.
Tuy vậy, đứng trước những nan đề và nghịch cảnh của cuộc sống, con người vẫn cầu nguyện. Trong sự thinh lặng, con người hướng tâm hồn lên và thân thưa với Đấng Tối Cao,…
Tóm lại, trong thinh lặng, con người bắt đầu trầm lắng để suy tư, đề giác ngộ, để ý thức được mìn là ai, mình có ý gì cho cuộc đời và mình có tương quan thế nào với Thượng Đế?

Từ đó mở ra phần thứ 3 của Lặng với An.
Yeuthuong,
butchivuive