Phần 1: TRẦM
Tại sao cần phải LẶNG?
Lặng không chỉ có nghĩa là yên lặng.
Nhưng Lặng còn mang nghĩa của Trầm của Suy và của An.
TRẦM
Với nhịp sống hiện đại, âm thanh thân thiện với đôi tai và tiếng ồn đôi khi bị nhầm lẫn với nhau. Có những lúc ta thấy mình bị chìm ngập trong những âm thanh ồn ào của tiếng xe cộ, âm nhạc quá nhiều tiết tấu và liên tục, của những quảng cáo không bao giờ dứt, của những chương trình Tivi náo động chỉ giới hạn con người trong sự giải trí bề mặt. Điều đó khiến cho đầu óc thường ở trong trạng thái hoạt động liên tục, căng thẳng và đôi khi dẫn tới stress.
Đến một hồi, con người sống với những tiếng ồn như một thói quen và bắt đầu thấy rất hụt hẫng, lạ lẫm khi ở trong sự thinh lặng hơi lâu một chút. Vì ở chỗ lặng thinh, con người bắt đầu nghe thấy “Tiếng Lòng của Chính Mình.” Nhưng khi thiếu kinh nghiệm sống với sự thinh lặng, nhiều người thấy lúng túng, ngứa ngáy và đôi khi cả khó chịu, sợ hãi.

TRẦM là mình chủ động trong việc thinh lặng. Bắt đầu ý thức được sự hiện diện của mình qua hơi thở,
qua việc ngồi thư giãn,
qua tiếng chim hót,
qua cảm nhận của làn gió thoảng qua,
qua sự cảm nhận về thân thể của mình đang sống, bắt đầu cảm nhận những phần cơ thể đang bị căng, đang bị đau.
Cảm nhận được cảm xúc của mình đang vui, buồn, băn khoăn, lo lắng, hứng khởi hay an yên,
Cảm nhận được không khí của sự sống
Cảm nhận được những gì đang diễn ra xung quanh mình: tiếng xe chạy, tiếng cười nói từ xa vọng lại, tiếng chó sủa, tiếng trẻ em khóc, hay những tiếng lòng mình đang nói…
Và trong cái TRẦM về vật lí với cái tĩnh của không gian, cái chậm rãi của thời gian, cái phập phồng của một con tim đang đập. Ta bắt đầu thấy mình đang thực sự SỐNG…
Và thấy sự sống thật Mầu Nhiệm…
Khẽ mỉm cười và nói:
“Cám ơn đời đã cho ta thức dậy,
Để có thêm ngày nữa để yêu thương.”
Hẹn cả nhà trong phần 2: Lặng… với SUY
Yeuthuong,
butchivuive
