
Đã bao lâu rồi ta thấy lòng mình không còn hồn nhiên?
Đã bao lâu rồi ta được sống trong một sự an tĩnh vô ưu?
Trong cuộc sống, đâu là nơi ta có thể thấy một sự vô ưu thuần khiết? Thật không khó đoán, đó chính là gương mặt của các trẻ thơ. Nơi nụ cười giòn tan và một vẻ hồn nhiên vô tư, vô ưu trước mọi sự phức tạp rối ren của cuộc đời.
Càng lớn, bước chân vào đời với biết bao nhiêu sự ràng buộc của các mối quan hệ, của các chèn ép, của phản bội, của lọc lừa dễ làm đánh mất những nét hồn nhiên thay vào đó là sự nghi ngờ, đố kị, ghen ghét, tức giận. Song song với nó cũng là những cảm giác cô đơn, mất phương hướng, thiếu kết nối với con người “thật,” v.v…
Có lẽ do vậy, nhiều khóa tu tập ở các tôn giáo hay các phương pháp Yoga thiền định ngày càng trở nên phổ biến. Nơi đó, các tâm hồn vụn vỡ tìm lại chính mình, nuôi dưỡng thân tâm, kiểm soát cảm xúc, nhìn nhận lại các giá trị trong đời.
Một người bạn chia sẻ với tôi về sự bổ ích của một khóa tịnh tâm ở thiền viện. Đó chính là việc trở về thật sâu trong lòng mình để tìm cái thiện nguyên sơ, của một bình an nội tâm và của một trái tim đầy yêu thương tin tưởng. Sau khi tìm được cái thiện nơi mình, từ đó phóng chiếu sang những con người khác và vạn vật xung quanh.
Lắng nghe để hiểu
Nhìn lại để thương
Thật vậy, tự trong thâm sâu lương tâm của mỗi con người, chắn chắn vẫn có tồn tại một sự thiện. Đừng để cuộc sống xô bồ này dập vùi hay ta cố tình lãng quên bởi không đủ can đảm để tin và yêu lại lần nữa.
Trong Kinh Thánh có dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. ” (Lc 11, 9)
Cùng thành thật nhìn vào lòng mình, ta đang tìm kiếm điều gì?
Bình yên hay thành công, danh vọng trước mắt người đời?
Mưu toan lợi lộc bất chấp hay thanh thản, vô ưu?
Hãy nhớ rằng: Ta sẽ gặt cái mà ta đã gieo…
butchivuive
PS: Bức hình phía dưới trên là HOA VÔ ƯU.
Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra dưới cây Vô ưu và sau này trở thành Đức Phật. Tiếng Phạn gọi là Ashoka. Tiếng Hán dịch là Vô Ưu Thọ.
