
Con người được sinh ra trong cuộc đời có lẽ không phải để sống lẻ loi một mình. Có một bài hát có ca từ thế này:
“Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi
Không phải ai xa lạ mà là người đang sống bên tôi
Thế giới này không ai là một hòn đảo
Vườn hoa này không có loài hoa lạc loài.”
Nếu lẻ loi một mình có lẽ con người không biết mình là người. Chính những người xung quanh cho mình có tương quan, có giao tiếp, và cho mình biết những người xung quanh là ai và đồng thời cũng khám phá ra chính mình là ai trong cuộc đời này.
Có một nhà văn đã viết rằng:
“Giữa những người lạ, ta cần một người quen.
Giữa những người quen, ta cần một người yêu.
Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu.
Giữa những người hiểu ta cần một người tin.”
(Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn.)
Như vậy, trong tình yêu, có lẽ có yêu nhau thôi thì chưa đủ.
Vì tình yêu chỉ thật nên thơ và hừng hực lửa khi mới yêu nhau.
Theo thời gian, tình yêu đó bị nhạt nhòa nếu không có sự vun đắp và làm mới từ đôi bên. Có lẽ vì vậy mà ngạn ngữ phương Tây có nói: Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu.
Khi nói yêu nhau mà chưa thực sự hiểu hết những ưu và khuyết hay những thế mạnh hay thói xấu của nhau thì tiến tới hôn nhân là liều lĩnh lắm. Khi đã hiểu nhau nhưng chưa thực sự tin vào đối phương thì cũng chơi vơi ghê!
Thực sự không có ai hoàn hảo vậy nên cũng không thể có một tình yêu hoàn hảo, trọn vẹn. Đến vàng mười nguyên chất mà cũng chỉ có bốn số 9 chứ không hoàn hảo được. Vậy, điều nào đỡ nghi ngại hơn khi nói: “Anh yêu em” hay “Anh cần em”? Có lẽ là Anh cần em. Vì khi nói yêu nhưng liệu lời ấy có thật chăng? Nhưng khi nói: “Anh cần em” thì nó thể hiện nhiều điều trong đó.
Trước hết, khi nói ta cần ai đó thì đó là lời thú nhận. Thú nhận rằng mình không hoàn hảo. Thú nhận rằng cuộc đời mình cần sự bồi đắp từ đối phương. Ta biết giới hạn của mình, biết mình thiếu gì và mong muốn gì từ người sẽ giúp mình nên trọn vẹn hơn. Nhưng để nói lên điều này thì thường không dễ vì tự bản chất con người không muốn mất đi niềm kiêu hãnh của mình. Có một bài hát đương thời có câu:
“Ừ thì anh thích một mình nhưng sợ cô đơn
Sợ cảm giác trống vắng mỗi ngày mỗi lớn”
(Đông Thiên Đức – Ai chung tình được mãi)
Thứ đến, sự khác nhau giữa cần và muốn. Tôi còn nhớ khi sang văn hóa phương Tây, để học về cách sử dụng tiền, Cha giám đốc có nói với tôi phải phân định được đâu là cái mình CẦN và cái mình MUỐN. Cái mình muốn thì có rất nhiều, nhưng cái mình thực sự cần cho đời sống thì không nhiều lắm đâu. Cái mình cần thực sự là những điều cơ bản và thiết yếu nhất không thể không có như: ăn uống, quần áo mặc hay ngủ nghỉ,…
Vậy suy nghĩ cho kĩ thì: Mình có thực sự CẦN một người ở bên trọn đời, hiểu được ý nghĩa của việc đó và ý thức được những gì họ sẽ mang đến trong cuộc đời mình và trân trọng điều đó. Đó là một cuộc khám phá rất dài và sâu. Hôn nhân hay đời sống tận hiến chính là bằng chứng cao nhất cho sự cần nhau đó trong cuộc đời hiện sinh này.
Nguyện chúc cho mỗi người chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần nhau trong cuộc đời thế nào và mỉm cười biết ơn vì sự hiện diện bên nhau và trong tim của nhau.
Cuối tuần an lành!
Yêu thương
butchivuive
