AN HÒA
butchivuive

AN HÒA là một tính từ ghép từ hai chữ: Bình An và Thuận Hòa, Hòa Hợp hay Hòa Bình. Nhiều bố mẹ đã chọn tính từ êm ái này đặt cho con của mình mong ước con sẽ có một đời sống an bình, thuận hòa trên dưới và có thể mang những mong ước khác nữa.
Nói đến chữ An thì không thể không nhắc tới tư tưởng Phật Giáo. Phật Giáo nhìn chữ An với nghĩa rộng và cả nghĩa hẹp cho từng trường hợp.

Câu chuyện kể rằng: khi các môn sinh của Đức Phật đi khất thực trở về tay trắng vì người dân mắng nhiếc họ và đuổi họ đi. Các môn sinh xin Ngài cho họ đi nơi khác để khất thực. Đức Phật hỏi họ: vì nơi này mọi người mắng nhiếc làm họ sân giận và nơi khác trưng cờ trải hoa đón họ thì họ sẽ thấy sung sướng, an lạc sao? Vậy có nghĩa là các con đem hết sự bình lặng trong tâm giao hết cho người khác? Ngoại cảnh có thể làm dao động các con và cũng có thể làm vui lòng các con?
Hiểu được tầm quan trọng của chữ An trong tâm là rất quan trọng, nhưng để có được nó thì không phải là việc đơn giản mà là quá trình tu tập cả cả đời người. Phật giáo có nói đến: Bát Chánh Đạo là những phương thức thực hành tu tập nhằm đưa hành giải thoát khỏi mọi bám chấp và vọng tưởng mê lầm, giúp hiển lộ trí tuệ hiểu biết đúng đắn. 8 con đường đều là những chỉ dẫn rất cần thiết để con người tu tâm dưỡng tánh, tập buông bỏ và đạt được bình an nội tâm.

Chữ An trong sự phong phú của ngôn ngữ Việt còn được thể hiện rất tinh tế qua từng từ mà nó đi cùng. Ví dụ như:
“Khi tâm không còn lo lắng muộn phiền và cảm thấy vui vẻ thì gọi là An Lạc.
Khi tâm không bị lay động bởi sóng gió cuộc đời thì gọi là An Bình.
Khi nở được nụ cười trên môi thì gọi là An Vui.
Khi trú tâm vào một pháp môn tu tập thì gọi là An Trú
Khi tâm không còn dao động thì gọi là An Tâm,
Khi thấy thanh thản không vướng bận gọi là An nhàn,
Khi cảm thấy mát mẻ trong lòng trong lòng thì gọi là An Nhiên,
Khi tâm không còn lo lắng chuyện quá khứ, hiện tại tương lai gọi là An Yên,
Khi cảm thấy không còn lo sợ thì là An Ổn,
Khi biết bằng lòng với những gì đang có gọi là An Phận,
Khi cảm thấy được bao bọc, chở che gọi là An Toàn,
Khi sống đoàn kết hòa hợp với mọi người gọi là An Hòa
Khi nơi mình sống được yên ổn gọi là An Cư
Khi mình có sự vững chãi lớn mạnh như ngọn núi gọi là An Sơn,
Khi có sự bình an tròn đầy gọi là An Viên,
Khi gặp chuyện buồn, được người khác động viên, chia sẻ gọi là An Ủi,…

Khi nói đến chữ An Hòa được dùng trong văn cảnh thì thấy rằng, người ta hay nói về quan hệ giữa Tâm và Trí : Tâm An Hòa hay Trí An Hòa. Tác giả Nguyễn Tầm Thường trong một bài viết “Trí sạch – Tâm An” của mình có nói:
“Trí phải lặng cho tâm an nghỉ, hay tâm phải lặng cho trí an hoà.”
Như vậy, an hòa được sinh ra từ mối quan hệ cân đối trong cái lặng của tâm và trí. Nói một cách khác, thì đó là sự dung hòa của con tim và khối óc trong sự chiêm niệm tĩnh lặng giữa bão tố của cuộc đời. Sự an hòa trong cõi lòng sẽ khó đạt được khi đầu óc suy nghĩ quá phức tạp, chất chứa trong đầu những ám ảnh của quá khứ, những hình ảnh lo lắng về tương lai không biết về đâu. Trí cũng không được an hòa khi tâm không lặng mà chất chứa phiền não, day dứt, hận thù, đố kỵ, nghi ngờ, oán hờn hay tủi nhục. Hai thái cực thái quá đó xé đi sự bình an nội tâm, cướp đi hạnh phúc của hiện tại, và lấy mất đi nụ cười cùng gương mặt an nhiên của kiếp nhân sinh.

Vậy, An hòa là hệ quả của sự cân bằng của tâm và trí trong cuộc sống, để có được điều đó, một trong những phương pháp tốt nhất mà các tôn giáo hay các thực hành tâm linh hay trị liệu đều nhắc tới là: Thiền định. Trong sự tĩnh lặng của tự nhiêm, trong sự hòa mình vào nhịp thở của vũ trụ, con người thực sự đối diện với lòng mình, với con người thật của mình và tất cả những mối tương quan với Tạo Hóa, với tha nhân xung quanh, với tự nhiên và với chính mình. Có thể trong những thực hành đầu tiên, ta sẽ giật mình như thể mình bước vào một tòa lâu đài mà mấy chục năm không được dọn dẹp, ngổn ngang, bừa bộn,… Rồi ngày qua ngày, ta thu dọn rác, xếp đặt lại những bàn ghế, nội thất, giá sách, đào xới lại khu vườn, trồng thêm nhiều cây hoa, thắp sáng tòa lâu đài với những ngọn nến lung linh, tận hưởng sự trong lành từ bên ngoài cho tới từng ngóc ngách đã được dọn dẹp sạch sẽ…
Tâm An vạn sự bình an.
Chúc cả nhà một tối an lành!