TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG NGÀY ÔNG CÔNG ÔNG TÁO

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, muôn muôn người Việt lại chuẩn bị mâm cỗ cúng cá chép đưa ông Công ông Táo về trời. Việc này không chỉ là hành động văn hóa tín ngưỡng từ ngàn năm của ông cha để lại, nó cũng không chỉ đơn giản là nghi lễ chuẩn bị cho ngày Tết để cầu bình an may mắn cho một năm sắp tới. Nhưng thực sự suy tư về nghi lễ này nói lên nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc trong văn hóa phong tục của dân Việt mà đôi khi trong cuộc sống bộn bề chúng ta ít để ý đến.

1. VẤN ĐỀ TÂM LINH CỦA NGƯỜI VIỆT

Mặc dù được giáo dục về một tư tưởng vô thần trong chủ nghĩa của nhà nước, nhưng rõ ràng những hành vi tín ngưỡng tâm linh của người Việt lại thể hiện đậm nét một niềm tin vào Đấng được gọi là TRỜI. Có thờ có thiêng có kiêng có lành. Việc làm mân cỗ cúng cá chép để đưa ông Táo về trời thể hiện sự KÍNH THIÊN, KÍNH THẦN sâu thẳm trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Nhờ có việc tôn kính thần linh như vậy, người dân Việt mong ước được thần linh phù hộ ban cho một năm mới an lành hạnh phúc.

Trong thời đại vật chất lên ngôi, đồng tiền được coi là thước đo giá trị của con người, nhiều giá trị văn hóa tinh thần bị mai một thì đây lại là một điều đáng quý. Khi con người ý thức được sự tồn tại của Đấng Tối Cao thì ít nhất họ cũng biết được có luật trời. Trời có mắt và soi thấu những hành vi thiện ác của con người.

2. THIỆN ÁC TỐT XẤU ĐỀU ĐƯỢC GHI LẠI BỞI ÔNG TÁO

Một chương trình chúng ta vẫn hay ngóng đợi mỗi khi dịp Tết đến đó là: GẶP NHAU CUỐI NĂM, một vở hài kịch được dàn dựng công phu và với kĩ năng biểu diễn của các diễn viên hài gạo cội hóa thân thành các nhân vật như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và các vị Táo quân. Vở hài kịch đó dựa trên những sự kiện nổi bật trong năm có cả tích cực và tiêu cực trong một số lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông,…

Chúng ta đều rất vui vẻ với những tiết mục đó vì nó như thay cho tiếng lòng và những bức xúc của người dân về một xã hội còn nhiều bất cập và nhiễu nhương.

Khi cúng lễ ông Công ông Táo, gia đình thường cúi mình xin thần linh ân xá lỗi lầm trong một năm đã qua và ban phước lộc phù hộ độ trì cho gia đình trong một năm mới bình yên mạnh khỏe, thịnh vượng vạn sự tốt lành, mã đáo thành công.

Nhưng nếu đặt mỗi cuộc sống của chúng ta trải qua một năm đều được các ông Táo ghi chép lại, kể cả những chuyện tốt và cả những chuyện chưa tốt trong ngõ ngách của từng gia đình. Mỗi nhất cử nhất động của chúng ta đều được thần linh dõi theo. Ông cha ta có câu tục ngữ: “Trên đầu ba thước có thần linh”. Bất kể việc tốt hay xấu, có thể che mắt được người đời, nhưng trời biết đất biết, quỷ thần đều biết.

Và dựa vào bản báo cáo đó, Thiên Đình định đoạt công tội, phân minh cho mỗi người. Biểu hiện của điều này trong cuộc sống là gì? Thưa, đó là luật Nhân – Quả mà chúng ta vẫn nói với nhau trong cuộc sống. Những người sống tốt với lương tâm, ngay thẳng thật thà thì sẽ thấy bình an trong tâm hồn. Ngược lại, những kẻ làm điều ác, vu vạ nói xấu, mưu mô hại người thì luôn bị lương tâm cắn rứt dù sống trong nhung lụa của bạc vàng. Đôi khi những quả báo nhãn tiền rành rành ngay trước mắt như lời cảnh tỉnh rằng những sự việc chúng ta gặp hôm nay là do NHÂN chúng ta đã GIEO trong quá khứ và QUẢ chúng ta gặt mai sau là những gì chúng ta đang GIEO trong hiện tại.

3. THỰC TẾ XÃ HỘI

Mặc dù đã biết pháp luật sẽ trừng phạt những hành vi sai trái nhưng xã hội lại vẫn gia tăng những hành vi tham nhũng không ngừng bành trướng, tội phạm phát triển, thực phẩm độc hại, hàng giả hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng vẫn được sản xuất hằng ngày, các vấn nạn xã hội tràn lan và ngày càng phức tạp. Đâu là nguyên nhân của việc này? Có lẽ đây không phải là câu hỏi đơn giản để trả lời, nhưng thiết nghĩ ít nhiều do sự lãng quên hay cố tình nhắm mắt làm ngơ trước đạo lý mà cổ nhân đã truyền dạy. Không kiềm chế cái tâm tham lam, không cần biết nhân quả, không xem báo ứng ra gì.

Thực tế cho thấy có rất nhiều người cúng bái thần phật cầu xá tội cầu phước lành, nhưng sau đó trong cuộc sống vẫn bon chen, vì lợi ích bản thân chà đạp người khác, tranh giành lừa gạt biển thủ, gặp chút mâu thuẫn là giở thói giang hồ gây sự, đánh lộn, chém giết nhau. Cứ như vậy, hỏi thần linh nào có thể ban phước cho họ đây?

Ông cha dậy: Tích đức hành thiện. Người có đức sẽ có lương tâm an bình, danh vọng phú quý cũng từ đức mà sinh ra. Nắm được đạo lý này, hãy sống có đức, sống làm người tử tế, văn minh, làm việc thiện, tránh làm điều xấu. Làm được vậy, dẫu phúc chưa đến họa cũng đã rời xa và cuộc đời thanh thản hạnh phúc là QUẢ sẽ đến.

Nguyện chúc cho chúng ta nhìn vào triết lý nhân sinh của việc cúng ông công ông táo để có một cuộc sống chan hòa tình người hơn.

butchivuive tổng hợp và suy tư.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s